Sự ra đời và ý nghĩa ngày Sách Việt Nam 21/04
Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày 23/4, người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ thư viện. Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới.
Trên thế giới, lễ hội sách, ngày hội đọc sách đã và đang mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả hết sức to lớn. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần giàu, nghèo trong xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay thì việc tổ chức các Ngày sách và Văn hóa đọc càng góp phần khẳng định: Sách và văn hoá đọc mãi mãi trường tồn.
Ở Việt Nam, hơn 10 năm nay, hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4) đã trở thành ngày hội sách và văn hóa đọc ở nước ta đã đi vào chiều sâu, có sức lan toả rộng rãi từ Trung ương tới các địa phương, 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đây thật sự là niềm vui lớn cho những người yêu sách.
Trường Tiểu học Dũng Tiến hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Trong khuôn khổ chương trình Ngày hội đọc sách có nhiều hoạt động ý nghĩa thu hút đông đảo học sinh nhà trường tham gia.
Được biết, phong trào đọc sách của Trường Tiểu học Dũng Tiến được duy trì tương đối hiệu quả; hệ thống thư viện trường học, thư viện thân thiện, thư viện lớp học được khai thác, sử dụng tốt.
Thông qua những hoạt động này nhằm tuyên truyền, giáo dục trong học sinh về việc đọc sách cũng như ý thức trân trọng, giữ gìn và bảo vệ sách, đưa văn hóa đọc trở thành thói quen đối với các em học sinh Trường Tiểu học Dũng Tiến nói riêng, học sinh các cấp học trên địa bàn thành phố nói chung.